Một trong những bệnh phổ biến về đường tiêu hóa đó chính là bệnh đau dạ dày. Bệnh đau dạ dày khiến cho người bệnh phải chịu những cơn đau khó chịu. Bệnh nếu không phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị phù hợp sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí gây ung thư dạ dày. Vậy đau dạ dày có biểu hiện như thế nào và nguyên nhân do đâu?
Những nguyên nhân dẫn đến bệnh đau dạ dày
Theo thống kê, cứ 10 người Việt Nam sẽ có đến 3 người bị bệnh đau dạ dày và ngày càng nhiều các bạn trẻ bị đau dạ dày hơn. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày?
Đau dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) gây nên
Vi khuẩn HP được xem là một trong những nguyên nhân làm đau dạ dày cao nhất. Có đến 80% người bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP. Loại vi khuẩn này sẽ tấn công niêm mạc thành mạch dạ dày, tiết ra chất phá hủy tế bào và làm teo niêm mạc. Vi khuẩn HP sẽ làm chúng ta bị giảm chức năng tiêu hóa, niêm mạc dạ dày bị loét, hay nguy hiểm hơn là thủng dạ dày, tăng nguy cơ bị mắc ung thư dạ dày.
Vậy vi khuẩn HP do đâu mà có? Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người qua người bằng những con đường như:
– Sinh hoạt chung với người bị nhiễm vi khuẩn HP.
– Nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm không đảm bảo.
Lạm dụng thuốc tây gây đau dạ dày
Lạm dụng thuốc tây cũng là nguyên nhân gây đau dạ dày phổ biến. Việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh cũng ảnh hưởng lớn đến dạ dày của chúng ta. Những loại thuốc này có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong dạ dày, giảm lượng chất nhầy giúp bảo vệ dạ dày.
Đau dạ dày do căng thẳng, stress
Bạn có biết căng thẳng, mệt mỏi kéo dài cũng là nguyên nhân gây đau dạ dày? Căng thẳng, áp lực khiến tình trạng co bóp ở dạ dày gia tăng, kích thích axit dịch vị tiết ra nhiều hơn, mất cân bằng độ pH và làm mòn niêm mạc dạ dày.
Chế độ ăn uống không hợp lý gây nên tình trạng đau dạ dày
Chế độ ăn uống không hợp lý, không điều độ là nguyên nhân gây ra đau dạ dày phổ biến. Rất nhiều người bị đau dạ dày do ăn không đúng bữa, bỏ bữa, ăn quá no hoặc quá đói, ăn quá khuya, sử dụng thực phẩm bẩn… Ngoài ra, việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá cũng làm ảnh hưởng không tốt đến dạ dày của chúng ta. Thành phần độc hại trong rượu bia, thuốc lá có thể khiến cho dạ dày bị bào mòn, gây viêm loét dạ dày, giảm chức năng hấp thu các dưỡng chất.
Các dấu hiệu bệnh đau dạ dày
Làm thế nào để biết được đâu là dấu hiệu đau dạ dày để điều trị kịp thời? Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm để tránh tình trạng bệnh thêm nặng hơn. Nếu cơ thể bạn đang có những dấu hiệu dưới đây, chắc hẳn bạn đang bị đau dạ dày đấy.
Chán ăn là dấu hiệu phổ biến ở người bị đau dạ dày
Một trong những dấu hiệu của bệnh đau dạ dày đó là chán ăn, ăn không ngon miệng do hệ tiêu hóa không ổn định. Khi dạ dày của chúng ta bị tổn thương, cơ chế tiết ra enzym phân hủy thức ăn sẽ bị rối loạn. Điều này sẽ khiến người bị bệnh đau dạ dày cảm thấy ăn không ngon miệng, thường xuyên bỏ bữa khiến tình trạng bệnh ngày một nghiêm trọng. bên cạnh đó, những cơn đau cũng khiến người bệnh không muốn ăn, sợ ăn do phải chịu đựng những cơn đau khó chịu.
Ợ hơi, ợ chua cho thấy dạ dày đang gặp vấn đề
Ợ hơi, ợ chua cũng là dấu hiệu đau dạ dày thường gặp. Theo thống kê, 80% số người bị đau dạ dày gặp phải triệu chúng này trong giai đoạn đầu tiên. Ợ hơi, ợ chua hay có thể ợ ra chất đắng như mật là do hoạt động của dạ dày bị rối loạn, thức ăn khó tiêu dẫn tới lên men và sinh ra hơi. Hơi ứ đọng trong dạ dày sẽ khiến chúng ta bị ợ hơi, ợ chua ngược lên thực quản.
Nếu tự nhiên bạn bị ợ hơi, ợ chua và chướng bụng liên tục từ 3 ngày trở lên, rất có thể bạn đang bị đau dạ dày đấy!
Đau bụng là dấu hiệu đau dạ dày dễ thấy
Đau bụng là dấu hiệu đau dạ dày mà người bệnh không thể bỏ qua. Những cơn đau ám ảnh và là nỗi lo âu của mọi bệnh nhân bị đau dạ dày. Khi bị mắc bệnh, chúng ta sẽ thường bị đau ở thượng vị, có người đau bụng âm ỉ nhưng cũng có người đau dữ dội hơn. Nếu bạn bị đau ngày một thường xuyên hơn chính là dấu hiệu đau dạ dày đang ngày càng nặng. Khi ấy, bạn có thể cảm thấy tức bụng, đau quằn quại, cơ thể bị mất sức, ra mồ hôi lạnh, huyết áp bị tụt…
Những cơn đau ấy do đâu mà ra? Nguyên nhân là bởi bệnh đau dạ dày gây tổn thương niêm mạc thành dạ dày, tổn thương mô mềm, gây nên những cơn đau quặn ở người bệnh. Đặc biệt khi dạ dày co bóp để tiêu hóa thức ăn, cơn đau lại càng nghiêm trọng hơn. Đây cũng là lý do khiến nhiều người bệnh có cảm giác chán ăn, ăn không ngon, không muốn ăn uống gì.
Bị chướng bụng, không tiêu cũng là dấu hiệu đau dạ dày
Nếu bạn bị chướng hơi, đầy bụng trên sau khi ăn, có thể bạn đây là dấu hiệu đau dạ dày ở mức độ nhẹ. Do đó, các bạn nên lưu ý theo dõi tình trạng cơ thể mình, chú ý các triệu chứng đau dạ dày khác kèm theo để phát hiện bệnh sớm và dễ điều trị.
Buồn nôn, nôn cho thấy bạn có nguy cơ mắc bệnh đau dạ dày
Buồn nôn, nôn cũng là dấu hiệu của bệnh đau dạ dày mà các bạn không thể không lưu ý. Dù có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng buồn nôn nhưng nếu tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần thì chúng ta nên lưu ý.
Khi bị đau dạ dày, chúng ta thường bị buồn nôn là do dạ dày bị tổn thương, thức ăn không được tiêu hóa hết khiến người bệnh bị chướng bụng, gây nôn. Nếu chúng ta không có cách chữa trị kịp thời, việc nôn nhiều sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng khác như rách thực quản, viêm thực quản, mất nước…
Xuất huyết dạ dày cảnh báo bạn đang bị bệnh đau dạ dày nghiêm trọng
Xuất huyết dạ dày hay đường tiêu hóa là dấu hiệu bị đau dạ dày nghiêm trọng. Khi đó, người bệnh sẽ có các triệu chứng như nôn ra máu, đi ngoài ra máu, choáng váng do mất máu nhiều… Nguyên nhân gây nên tình trạng xuất huyết đó chính là do niêm mạc thành dạ dày bị tấn công, gây thủng hoặc viêm loét. Các mạch máu bị tổn thương, có nguy cơ bị đứt gãy khiến chảy máu bên trong dạ dày. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm vì nếu không phát hiện và cầm máu kịp thời, chúng ta có thể bị mất máu, dẫn tới tử vong.