Sau hơn một năm kể từ ngày Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, ngày 30/9 năm 2019 vừa qua, Bộ tài chính mới chính thức ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119. Thông tư 68/TT-BTC được ví như căn cứ pháp lý vững chắc, giúp tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử.
Cùng với việc thừa kế những quy định hợp lý trước đây, Thông tư 68 có thêm những khái niệm mới, những quy định mới nhằm phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan và thực tế triển khai sử dụng hóa đơn điện tử.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thống kê những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 68/2019/TT-BTC.
Điều 3: Nội dung hóa đơn điện tử
Thông tư 68/2019/TT-BTC đã thay đổi quy định về ký hiệu mẫu và ký hiệu hóa đơn so với trước đây. Cụ thể:
Ký hiệu mẫu hóa đơn dùng ký tự số thay cho ký tự chữ trước đây: 1 = GTGT; 2 = BH; 3 = PXK kiêm VCĐT; 4 = các loại hóa đơn khác (Tem điện tử, vé điện tử…)
Ký hiệu hóa đơn gồm 6 ký tự Số và chữ
Thể hiện loại hóa đơn: C (có mã) hoặc K (không có mã);
Năm lập hóa đơn: Hai chữ số cuối của năm lập hóa đơn;
Thể hiện loại hóa đơn sử dụng:
T – hóa đơn do DN tự đăng ký sử dụng;
L – hóa đơn do cơ quan thuế cấp từng lần;
D – hóa đơn đặc thù không nhất thiết phải có một số tiêu thức;
M – hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền.
Ký hiệu quản lý riêng của DN: gồm 02 ký tự (AA, BB … YY).
Số của HDDT gồm có 8 chữ số (tối đa đến số 99 999 999), bắt đầu từ số 1 vào ngày 01/01 hoặc ngày bắt đầu sử dụng và kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm.
HDDT không nhất thiết phải có chữ ký của người mua, trừ có thỏa thuận của hai bên. Có thể tạo thêm thông tin về logo, hợp đồng mua bán hoặc các thông tin khác.
Thông tư 68/2019/TT-BTC quy định rõ 08 trường hợp hóa đơn không nhất thiết có đầy đủ các nội dung, cụ thể:
– Trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua (bao gồm cả trường hợp lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở nước ngoài). Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh và người mua, người bán có thỏa thuận về việc người mua đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử do người bán lập thì hóa đơn điện tử có chữ ký số, ký điện tử của người bán và người mua theo thỏa thuận giữa hai bên.
– Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua.
– Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh theo quy định và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
– Đối với hóa đơn điện tử là tem, vé, thẻ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký điện tử, chữ ký số của người bán (trừ trường hợp tem, vé, thẻ là hóa đơn điện tử do cơ quan thuế cấp mã), tiêu thức người mua (tên, địa chỉ, mã số thuế), tiền thuế, thuế suất thuế giá trị gia tăng. Trường hợp tem, vé, thẻ điện tử có sẵn mệnh giá thì không nhất thiết phải có tiêu thức đơn vị tính, số lượng, đơn giá.
– Đối với chứng từ điện tử dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế cho người mua là cá nhân không kinh doanh được xác định là hóa đơn điện tử thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn, số thứ tự hóa đơn, thuế suất thuế giá trị gia tăng, mã số thuế, địa chỉ người mua, chữ ký số, chữ ký điện tử người bán.
– Trường hợp tổ chức kinh doanh hoặc tổ chức không kinh doanh mua dịch vụ vận tải hàng không thì chứng từ điện tử dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế cho các cá nhân của tổ chức kinh doanh, cá nhân của tổ chức không kinh doanh thì không được xác định là hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không hoặc đại lý phải lập hóa đơn điện tử có đầy đủ các nội dung theo quy định giao cho tổ chức có cá nhân sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.
– Đối với hóa đơn của hoạt động xây dựng, lắp đặt; hoạt động xây nhà để bán có thu tiền theo tiến độ theo hợp đồng thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có đơn vị tính, số lượng, đơn giá.
– Đối với Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử thì trên Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử không thể hiện các tiêu thức người mua mà thể hiện tên người vận chuyển, phương tiện vận chuyển, địa chỉ kho xuất hàng, địa chỉ kho nhập hàng; không thể hiện tiền thuế, thuế suất, tổng số tiền thanh toán.
– Hóa đơn sử dụng cho thanh toán Interline giữa các hãng hàng không được lập theo quy định của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có các chỉ tiêu: ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn, tên địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua, đơn vị tính, số lượng, đơn giá.
Điều 5: Quy định cụ thể về định dạng HDDT: sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML. Các DN sử dụng dịch vụ Web để kết nối và giao thức SOAP để đóng gói và truyền nhận dữ liệu HDDT với cơ quan thuế và giữa người bán với người mua.
Điều 16: Người bán hàng chuyển dữ liệu HDDT trực tiếp hoặc qua Tổ chức cung cấp dịch vụ HDDT đến Tổng cục thuế.
Phương thức chuyển dữ liệu HDDT theo Bảng tổng hợp dữ liệu cũng được áp dụng với một số trường hợp: Điện, nước sạch, Bưu chính viễn thông …
Phương thức chuyển đầy đủ dữ liệu HDDT áp dụng cho các trường hợp còn lại.
Hình thức gửi gián tiếp thông qua Tổ chức cung cấp dịch vụ HDDT áp dụng cho phần lớn các doanh nghiệp.
Hình thức gửi trực tiếp sẽ do Tổng cục Thuế lựa chọn áp dụng đối với một số doanh nghiệp: Dùng hóa đơn với số lượng lớn, có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quy định.
Điều 23: Tổ chức cung cấp dịch vụ HDDT bao gồm: Tổ chức cung cấp dịch vụ truyền, nhận dữ liệu hóa đơn điện tử, Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế .
Điều 26: Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 14/11/2019
Các văn bản hiện hành về hóa đơn vẫn có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/10/2020. Từ ngày 01/11/2020, các DN…phải đăng ký áp dụng HDDT theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Điều 27: Xử lý chuyển tiếp:
Khi chưa có thông báo chuyển sang dùng HDDT thì các DN.. vẫn tiếp tục sử dụng hóa đơn theo NĐ 51/2010 đến ngày 31/10/2020.
Khi đã sử dụng HDDT mà phát hiện hóa đơn sử dụng theo NĐ 51/2010 có sai sót thì lập HDDT (có mã hoặc không có mã) thay thế.
Trích nguồn: CyberBill.vn