Khách vãng lai trên quốc lộ 3 đi Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng hẳn sẽ tò mò khi bên dòng sông Cầu đoạn qua bản Đồn, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn có khá nhiều quầy hàng mời dừng chân với một đặc sản khá lạ lùng: bánh củ chuối!
Xưa nay tôi vẫn nghĩ củ chuối của một thời gian khổ đã qua rồi, bây giờ có lẽ người ta chỉ dùng củ chuối để nấu cám lợn, ấy thế mà lại có món bánh mang tên củ chuối.
Sự tò mò đánh thức vị giác mặc dù vừa ăn bữa trưa ngon lành ở thủ phủ Bắc Kạn, tôi vẫn phải dừng chân. Và suốt thời gian ngồi chuyện trò với bà chủ hàng có cái tên xinh đẹp Thanh Xuân, tôi nhận ra cũng có rất nhiều ôtô chạy ngang cũng dừng lại.
Có người mua bí đao thơm, mua hồng không hạt, mua cơm lam và đáng nói nhiều người trong số đó mua bánh củ chuối. Như một món quà đặc biệt và dân dã của miền trung du.
Thoạt nhìn trông món bánh có vẻ được gói giống bánh gai, cỡ lòng bàn tay, có vài lớp áo. Bóc bỏ một hai lớp lá chuối phủ ngoài cùng là tới lớp sát với thân bánh, cũng phải tước nhẹ nhàng từng sợi mảnh cho khỏi dính.
Kheo khéo kẻo nứt lớp bột dẻo, phần nhân được “mở cửa” sẽ bật ra ngoài khiến miếng bánh mất ngon.
Khác với bánh gai có lớp vỏ bánh đen nhánh và nhân đậu xanh thường được cho thêm dừa, bánh củ chuối ở bản Đồn có lớp vỏ màu nâu óng, dẻo dính và nhân đỗ xanh đồ nhuyễn. Vị ngọt nhẹ nhàng, thơm thơm, thanh mát, vừa ăn vừa uống nước chè cũng có thể ăn tới 2-3 chiếc một lúc.
Hàng bánh dân dã bên đường
Chú bé con bán hàng thay mẹ bảo “có 5.000 đồng/chiếc thôi ạ”. Tôi hỏi: “Bánh nhà mình làm hay đi mua về bán?”. Chú bảo: “Mẹ em tự làm”. Tôi nói: “Dạy chị làm với”, cậu bẽn lẽn: “Chị đợi hỏi mẹ em”.
Vừa nói thì một phụ nữ tất tả xuất hiện trong nắng trưa. Chúng tôi đứa nằm võng, đứa ngồi ghế pha trà, đứa lấy dao dọc ống cơm lam, liên miệng buôn chuyện. Tôi phải hỏi đến mấy câu, cô chủ hàng mới tin là tôi muốn tìm hiểu cách làm bánh củ chuối.
Chị nói đây là món bánh đặc sản của vùng, dân vẫn hay gói hằng ngày để bán làm quà quê cho khách qua đường. Củ chuối rừng, loại củ chuối bánh tẻ mua về gọt sạch, thái mỏng và ngâm nước tro cho sạch nhựa.
Tôi thắc mắc thế nào là củ chuối bánh tẻ thì chị che miệng cười bảo: “Không biết đâu, người dân tộc đi rừng đào về đem bán ngoài chợ, gọi là củ chuối bánh tẻ thì mình mua thôi”.
Củ chuối đã sơ chế được rửa sạch sẽ, cho vào nồi luộc kỹ đến khi chín nhừ, dùng chày giã thành bột mịn, hoặc hiện đại hơn giờ bà con mang đi xay thành bột rồi cho vào chảo xao kỹ, ngào với đường thành món nguyên liêu có màu cánh gián, để nguội.
Một phần nguyên liệu củ chuối ngào đường sẽ được nhào với 9 phần bột nếp để tạo thành bột bánh.
Muốn bánh ngon thì gạo nếp phải chọn loại ngon, không lẫn gạo tẻ, ngâm nước qua đêm trước khi đem xay bột ướt. Không thì dùng bột gạo nếp khô nhào nước và nhào với bột củ chuối, nhưng bột bánh sẽ không được mềm mịn và thơm ngon bằng thứ bột bánh ướt. Mặt khác cũng không thể bảo quản lâu bằng.
Bánh củ chuối – món quà quê dân dã của bản Đồn
Đặc sản cây nhà lá vườn của bản Đồn
Chị cười cười giải thích ngay trước khi tôi lại cất lên vô số các câu hỏi.
Nhân bánh thì tựa nhân bánh chưng, đỗ xanh làm sạch vỏ, đồ chín, trộn với đường, nắm thành từng viên nhỏ, nhân chỉ không có thịt trộn hạt tiêu thôi. Bánh được gói vuông vắn, hơi dẹt, vỏ bằng lá chuối, xếp vào nồi hấp khoảng 30 phút là chín, sử dụng được 2-3 ngày.
Mặc dù bánh củ chuối được làm khá kỳ công từ công đoạn chế biến củ chuối, nhào bột và làm bánh nhưng giá thành bán ra lại khá rẻ: 5.000 đồng.
Bạn đã bao giờ thử món bánh dân dã này của bản Đồn, Chợ Mới, Bắc Kạn chưa?