Đến với mảnh đất võ Bình Định bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều đặc sản ngon, hút hồn du khách. Một trong số những đặc sản mà bạn không thể bỏ qua đó chính là bánh ít lá gai. Nếu bạn đã từng đến đây và một lần thưởng thức vị ngon của món bánh dân dã mà đậm đà này, cảm nhận vị ngọt bùi của đậu xanh, thanh ngọt giòn giòn của dừa, dẻo thơm của nếp quyện nơi đầu lưỡi bạn sẽ thấy hương vị ấy thật tuyệt. Ngày hôm nay dừng chân tại đây, bạn và tôi hãy cùng tìm hiểu và khám phá món ngon và đầy hấp dẫn này nhé.
Nguyên liệu chuẩn bị cho món bánh ít lá gai Bình Định:
- 500 gam lá gai tươi
- 500 gam bột nếp
- 100 gam bột sắn
- 300 gam đậu xanh cà vỏ
- 150 gam dừa khô nạo sợi
- 30 mè trắng
- 100 gam mỡ gáy heo
- Dầu ăn
- Đường
- Nước hoa bưởi
- Lá chuối tươi được phơi nắng
- Dây dùng để cột bánh: Lạt mềm hoặc dây buộc
- Xửng hấp
Các bước thực hiện món bánh ít lá gai Bình Định:
- Trước hết đến với lá gai, sau khi mua lá gai về bạn rửa sạch, chia lá gai ra làm 2 phần, tước bỏ xơ và sống lá. Sau đó đem lá gai đi luộc cho đến khi mềm nhừ rồi vớt lá ra để nguội và vẩy ráo nước.
Tiếp đến bạn cho 1 ít lá gai vào cối giã hoặc nghiền cho đến khi lá nhuyễn. Thao tác này bạn cần thực hiện kỹ nhé nếu không món bánh khi ăn sẽ bị sợi. Lá gai sau khi đã được nghiền sẽ có màu xanh đen trông rất đẹp. ^^
Để có món bánh ít lá gai ngon, việc chọn lá cũng rất quan trọng, khi chọn bạn nên lựa những lá gai tươi có sắc màu xanh đậm, không quá non cũng không quá già, nếu quá non lá sẽ không đủ bột, món bánh sẽ thiếu đi vị đặc trưng, còn nếu lá già sẽ rất khó để bạn có thể tước phần xơ và sống lá đấy nhé. - Với bột nếp và bột sắn, bạn cho ra tô và trộn đều rồi đem trộn với phần bột lá ít đã được giã mịn. Bạn trộn thật đều hỗn hợp này lên nhé.
Bắc 1 nồi nhỏ lên bếp, bạn đun chảy 150 gam đường với 250 ml nước, vừa đun vừa khuấy cho đến khi đường tan, đun sôi và để nước nguội. Sau đó bạn cho phần nước đường này vào hỗn hợp (bước 2), nhào thật kĩ cho đến khi bạn có hỗn hợp dẻo và bóng mịn.
Công đoạn tiếp theo mình sẽ thao tác nốt 1 số phần nguyên liệu
Mè trắng bạn rang vàng và để nguyên vỏ. Trút mè ra đĩa.
Dừa nạo bạn nhúng qua nước sôi rồi để ráo nước.
Đậu xanh bạn ngâm trong nước nóng chừng 2h rồi đem hấp chín, tán nhuyễn đậu xanh để làm nhân bánh.
- Mỡ gáy heo bạn rửa sạch, đem luộc chín, thái hạt lựu rồi trộn với 2 cafe đường cát. Trộn đều và bạn để mỡ ở nơi thoáng mát. Đến khi đường tan, bạn vớt phần mỡ này ra bát nhỏ còn phần nước bạn bỏ đi nhé.
- Bạn cho mỡ gáy, dừa nạo vào với phầm đậu xanh tán nhuyễn, thêm đường (bạn tùy chỉnh lượng đường tùy theo sở thích ăn ngọt nhiều hay ít nhé), trộn đều. Ở bước này bạn có thể thêm 1 chút tinh dầu hoa bưởi cho thơm.
- Bắc xửng hấp, lên bếp, đổ nước và đun sôi. Vì thời gian hấp lâu nên bạn cần cho nhiều nước vào xửng hấp nhé.
- Với lá chuối sau khi đã được phơi nắng bạn lau qua với một chút nước cho lá mềm, trước khi gói, bạn thoa ra tay một chút dầu thực vật.
- Tiếp đến mình sẽ gói bánh, phần nhân bánh to hay nhỏ tùy vào kích thước bạn muốn, thông thường khi gói mình chỉ cần áng chừng lượng bột tương tự như khi mình làm bánh rán hay bánh trôi. Vê tròn bột rồi tán dẹt, cho phần nhân đậu xanh đã được trộn vào, làm tròn lại rồi lăn qua mè rang rồi gói trong lá chuối. Bạn cũng có thể gói thành bánh dẹt, không nhất thiết là phải tròn nhưng điều quan trọng ở bước này bạn cần gói kín phần bột nếu không trong quá trình hấp xửng bánh sẽ không ngon.
Bánh sau gói xong, bạn cho vào xửng hấp, chỉ cần xếp 2 chồng bánh là được như vậy bánh sẽ chín đều. Khi hấp bạn hấp dưới lửa lớn, thời gian hấp bánh chừng 30-35 phút. Bánh chín bạn lấy ra, để nơi thoáng gió bánh ít lá gai sẽ nhanh nguội và khô. Bạn cũng có thể thưởng thức món bánh này khi nóng nhé. Khi nóng phần nhân đậu sẽ khá dậy hương đấy bạn.
Vậy là món bánh ít lá gai của chúng ta đã xong. Với món bánh này tuy cách làm không khó nhưng qua từng công đoạn chuẩn bị và làm những nguyên liệu, chúng ta cũng đã thấy một sự tỉ mỉ, khéo léo và cẩn thận để có những mẻ bánh ngon. Và đó cũng là lý do tại sao mặc dù bánh ít lá gai mặc dù có mặt ở rất nhiều nơi, thế nhưng ở Bình Định – mảnh đất võ và cũng là mảnh đất quê hương của món bánh này vẫn giữ trong mình một nét riêng, một hương vị riêng, giản dị, mộc mạc và khó quên.