Gặp hot boy 9x có clip nấu ăn hơn nghìn lượt like
Anh chàng trưởng phòng thích “vùi đầu” vào bếp núc
Mẹ 3 con nấu ngon nhờ những kinh nghiệm đau thương với thùng rác
Sinh ra tại Thái Bình nhưng đến năm 6 tuổi, Nguyễn Văn Hùng (27 tuổi) đã về quê ngoại ở Hòa Bình để sinh sống. Cũng từ mảnh đất miền sơn cước này đã tạo cho anh một cơ duyên để đến với nghề bếp. Tuy nhiên, duyên may chỉ là một phần, bằng sự nỗ lực và cố gắng cùng với đam mê, nhiệt huyết của bản thân, anh đã biến duyên may ấy thành sự thật.
Chào anh Hùng! Từ khi nào anh có đam mê và quyết định đi theo nghề bếp?
Chào bạn! Kể ra thì chuyện cũng khá dài. Có lẽ đó cũng là một cái duyên. Từ cuối năm 2004 tôi vô tình được một người bạn rủ vào một khu du lịch sinh thái trên Kim Bôi – Hòa Bình, làm ở bộ phận chăm sóc hoa phong lan, cây xanh.
Trong thời gian đó, khu du lịch rất đông khách. Hàng tuần cứ đến thứ 6, 7, Chủ nhật tôi được cử lên bộ phận bếp để hỗ trợ sơ chế thực phẩm. Bạn biết không, lúc ấy tôi cảm thấy thật khủng khiếp khi bị phân công làm ở bộ phận “sát thủ” chuyên làm thịt các loại cá.
Trung bình mỗi ngày cuối tuần như vậy phải làm xong 400 – 500 con các loại. Thời điểm đó, tôi rất nản và định bỏ dở công việc vì sau giờ làm, tắm rửa xong mồ hôi toát ra lại thấy toàn mùi cá.
Thế rồi, có một lần, tôi mang cho anh bếp phó một con cá đã làm sạch để chế biến món thì đúng lúc đó tôi nhìn thấy ngọn lửa từ trong chảo món ăn bốc lên đỏ rực cứ bập bùng theo từng nhịp xóc chảo của anh ấy.
Tự dưng, lúc đó, trong tôi cũng bùng lên ngọn lửa, một ngọn lửa của sự khao khát. Ước gì mình cũng làm được như anh ấy. Thế là từ đó tôi bắt đầu quyết tâm theo nghề này. Cũng có một cái may mắn là khi tôi đặt vấn đề này với một chú bếp Trưởng người Sài Gòn thì được chú đồng ý và tạo điều kiện cho tôi theo nghề. Kể từ đó tới giờ tôi luôn sống với đam mê ấy.
Nghề bếp đến với anh Nguyễn Văn Hùng như một cơ duyên
Là con trai, lại theo nghề mà nhiều người nghĩ chỉ dành cho phụ nữ, gia đình, bạn bè có ủng hộ anh không?
Không biết những người đàn ông theo nghề bếp khác như thế nào nhưng riêng tôi, đa số những người thân của tôi đều rất ủng hộ, đặc biệt là bà xã tôi.
Ai là người đã gây ảnh hưởng tới sở thích nấu ăn của anh?
Đó là một người anh kết nghĩa ngoài xã hội. Anh ấy là một người đầu bếp rất giỏi và bây giờ đã là chủ của 1 chuỗi nhà hàng lẩu và nướng. Sự đam mê của anh ấy dành cho các món ăn cũng lây sang cả tôi. Thỉnh thoảng gặp nhau, ngoài những câu chuyện đời thường thì chủ đề của chúng tôi vẫn là ẩm thực. Có lẽ ẩm thực đã ngấm vào máu chúng tôi mất rồi.
Tôi sẽ cảm thấy rất chán khi không được nhìn thấy món ăn mỗi ngày
Ẩm thực đã ảnh hưởng tới cuộc sống của anh như thế nào? Những điều mà ẩm thực mang lại cho anh hiện tại là gì?
Ẩm thực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống bởi tôi chưa bao giờ biết mệt mỏi mỗi khi làm những gì liên quan tới ẩm thực.
Nó đã giúp tôi có một cuộc sống tự tin hơn và giúp tôi xây dựng được một gia đình hạnh phúc. Hiện tại tôi có 2 nhóc trai rồi (cười).
Việt Nam có rất nhiều món ăn ngon và đặc sắc nhưng anh lại quyết định tìm hiểu và đi theo con đường ẩm thực Thái, vì sao vậy?
Có thể nói đây là một cơ duyên. Quả thật ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, phong phú. Nếu biết cách thì dù món ăn đơn giản nhất cũng rất thơm ngon, hấp dẫn. Trước đây, khi bắt đầu vào nghề, tôi hướng vào các món ăn đặc sản thú rừng và tôi cũng rất thích nó. Nhưng khi bắt đầu tiếp cận món Thái thì tôi lại thấy mình hợp với trường phái này hơn.
Khi bắt đầu tiếp cận, anh cảm thấy mình rất hợp với các món ăn Thái
Nói như vậy anh nấu món Thái giỏi hơn món Việt nhỉ?
Biết nói thế nào nhỉ! Tôi chỉ biết khi nấu món Thái tôi gần như đặt hết tâm huyết của mình vào món ăn đó thôi (cười).
Theo anh, người Việt thích món Thái ở những điểm nào?
Món Thái có một điểm rất đặc biệt là từng vị đồ ăn rất sâu, nổi bật mà lại được tạo nên bởi các nguyên vật liệu tự nhiên như riềng, sả, ớt… làm cho người ăn cảm thấy thích thú và không bị ngấy ngán.
“Tôi chỉ biết khi nấu món Thái tôi gần như đặt hết tâm huyết của mình vào món ăn đó thôi”, đầu bếp Hùng chia sẻ
Suốt ngày nhìn đi nhìn lại chỉ thấy món ăn, có khi nào anh cảm thấy chán với nó không?
Tôi chỉ thấy chán khi không được nhìn thấy chúng mỗi ngày thôi (cười).
Điều gì mà anh cảm thấy áp lực khi đứng bếp?
Điều làm tôi áp lực nhất cũng là điều tôi quan tâm nhất là món ăn bị thiếu hồn của người chế biến nó hay không.
Đã có bao giờ thực khách chê món ăn của anh chưa?
Có chứ! Vì mỗi người có một khẩu vị mà, cũng khó mà tránh được. Đơn giản như người ăn được cay và người không ăn được cay ấy. Tuy nhiên cũng có những lúc do sơ xuất nên món ăn không đạt chất lượng nên khách mới chê.
Ở điểm này, tôi luôn sẵn sàng nhận lỗi và nói với các đồng nghiệp hãy cố gắng làm tốt nhất có thể để đem đến hương vị món ăn hoàn hảo nhất cho thực khách.
Ẩm thực giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống bởi tôi chưa bao giờ biết mệt mỏi mỗi khi làm những gì liên quan tới ẩm thực
Là đầu bếp chắc hẳn vợ anh “được nhờ” lắm! Ở nhà anh có thường xuyên nấu ăn không?
Ồ thật “không may” cho tôi là vợ tôi nấu ăn rất ngon nên về nhà tôi chỉ được làm phụ bếp thôi (cười).
Có người cho rằng, khi vào bếp, người đàn ông thường tinh tế hơn phụ nữ, anh có nghĩ thế không?
Tôi thì lại không nghĩ vậy. Tôi cho rằng, bất cứ người đầu bếp nào cũng đều muốn đưa ra sản phẩm mang được thương hiệu cá nhân của mình thì đó mới gọi là tinh tế.
“Điều làm tôi áp lực nhất cũng là điều tôi quan tâm nhất là món ăn bị thiếu hồn của người chế biến nó hay không”, anh nói
Trong tương lai anh có kế hoạch nào lớn dành riêng cho ẩm thực không?
Tôi luôn ấp ủ làm riêng cho mình một cái gì đó khi bắt đầu bước vào nghề. Và cũng rất may mắn là hiện tại, tôi đã có riêng một nhà hàng chuyên về đồ Thái ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Tôi mong muốn đem đến cho thực khách các món ăn đậm chất Thái mà không nhất thiết phải sang Thái mới được ăn.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của anh!